1.Trưng bày, triển lãm
Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị đang trưng bày gần 120 tác phẩm trên tổng số 367 tác phẩm nghệ thuật độc đáo của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị trong không gian trong nhà và ngoài trời, thể hiện quá trình xuyên suốt hơn 40 năm cống hiến của Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị cho nền nghệ thuật thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc.
* Không gian trong nhà:
Trong không gian trưng bày với tổng diện tích 2 tầng của tòa nhà hơn 400m2; gần 120 tác phẩm, bộ tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị được trưng bày theo ba giai đoạn sáng tác với nhiều chủ đề như: Ngôn ngữ Điềm Phùng Thị, Phụ nữ, Chiến tranh, Mẹ và con, Hội họa, Đá ngọc
– Giai đoạn khởi đầu: là những tác phẩm tả thực, hài hòa gợi cảm từ thân thể người phụ nữ mang nét huyền bí phương Đông với ngôn ngữ khối căng tròn, đơn giản thể hiện khát vọng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị không vay mượn bất kỳ hình mẫu nào của bất kỳ ai. Chất liệu chủ đạo ở thời kỳ này hầu như là thạch cao, đất nung và nhựa tổng hợp; càng về sau, những chất liệu bà sử dụng mang tính bền vững hơn như nhôm, đồng, đá…
– Giai đoạn thứ hai: là giai đoạn tìm tòi để khẳng định ngôn ngữ Điềm Phùng Thị. Bà đã có sự chuyển biến về tư duy nhận thức từ đó các khối đường nét mạnh hơn, khỏe hơn, dứt khoát hơn nhưng vẫn là tư duy liền mạch với các tác phẩm trước. Và cũng trong giai đoạn này, Điềm Phùng Thị bắt đầu hé mở quan niệm lắp ghép các hình khối với nhau để tạo ra một tác phẩm mới. Những hình thể tinh túy, chắt lọc đến mức cô đọng dần giúp bà khái quát thành những thành tố đơn giản là những mẫu tự Alphabet.
– Giai đoạn thứ ba: là giai đoạn sắp xếp, lắp ghép các hình khối để tạo ra các tác phẩm độc đáo. Sự độc đáo của Điềm Phùng Thị là đã sáng tạo ra một loại hình điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu 7 mô đun hình học. Với 7 mô đun độc đáo đó, bà đã lắp ghép từ hình dạng này sang hình dạng khác… Bằng sự khéo léo, tinh tế và nhạy cảm, từng cái một, với một chút thay đổi kích cỡ, vị trí hay màu sắc hoặc chất liệu có thể trở thành những hình tượng sống động.
Bên cạnh đó, nhiều hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nhà Điêu khắc Điềm Phùng Thị được trưng bày trong không gian tầng một của tòa nhà.
Những hình ảnh tư liệu về Điềm Phùng Thị và người thân; các vật dụng quen thuộc thường ngày và một số dụng cụ bà sử dụng khi sáng tác…. trưng bày ở Phòng tưởng niệm trong không gian tầng hai. Trong không gian này, khách tham quan có thể thắp nén nhang tưởng nhớ đến người nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến và hết lòng vì nghệ thuật.
* Không gian ngoài trời:
Không gian và cảnh quan sân vườn rộng rãi, thoáng đãng với diện tích 1.500 m2 hiện đang trưng bày 15 tác phẩm, cụm tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị với nhiều chất liệu như: đá, đồng, bê tông, composite… xen kẽ giữa các bồn hoa, cây xanh, thảm cỏ làm nổi bật và tô điểm thêm các tác phẩm trưng bày. Ngoài ra, còn có một số ghế đá mô phỏng các modul đặt ở không gian ngoài trời để khách tham quan nghỉ chân khi đến đây thưởng lãm nghệ thuật.
Ngoài công tác trưng bày cố định, tại không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị, hằng năm diễn ra các hoạt động phối hợp triển lãm với các đơn vị, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật với nhiều chủ đề tạo sự phong phú và đa dạng trong hoạt động; thu hút du khách trong và ngoài nước; công chúng yêu nghệ thuật… vào các dịp kỷ niệm các Ngày Lễ lớn của đất nước, quê hương; các dịp Festival Huế, Festival Nghề truyền thống…
2.Tuyên truyền, giáo dục
Tổ chức hướng dẫn, giới thiệu tham quan không gian trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị cho các đối tượng là học sinh, sinh viên, công chúng yêu nghệ thuật trong nước và nước ngoài.
Tổ chức đón tiếp và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, học tập về nghệ thuật Điềm Phùng Thị.
* Hoạt động trải nghiệm, sáng tạo
Không gian trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị là địa điểm tổ chức thường xuyên các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo nghệ thuật cho học sinh, sinh viên và du khách tham quan với nhiều hình thức như:
Địa điểm này cũng là nơi tổ chức các liên hoan, cuộc thi sáng tác nghệ thuật với các hình thức đa dạng dành cho sinh viên, học sinh, thiếu nhi…Thông qua các hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; quảng bá, giới thiệu đến công chúng, thế hệ trẻ về nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Điềm Phùng Thị nói riêng; đồng thời khuyến khích tinh thần sáng tạo của thế hệ trẻ.