Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại viết về Điềm Phùng Thị

… Có lẽ khi ném những cục đất ướt trên bậu cửa sổ, bà đã rất nhạy cảm để nhận ra rằng: khi ném thêm một cục đất mới, cái cũ nhoè đi, cái toàn bộ trước đó đã thay đổi để tạo ra toàn bộ một cái mới. Vì vậy, không phải tạo ra một cái toàn thể đơn nhất mà tất cả vấn đề là ở sự phối hợp. Hơn nữa, như mọi triết học, muốn khám phá được vũ trụ vô cùng, vô tận, phải quy ra được những khái niệm cơ bản. Giống như Kinh Dịch chỉ có vạch liền, vạch đứt và sự chồng quẻ. Tuy Điềm Phùng Thị có bảy “cái”, thì suy cho cùng, chỉ có tròn và vuông và suy cho cùng nữa thì vuông là cơ bản (nó sinh ra từ một phần tính ưu mò mẫm nhưng thích làm biếng, làm mau của bà, gọt tròn thì khó hơn tạo vuông). Nhưng từ vuông và tròn lại có thể làm nên vô số, có thề chồng cao vô tận…

Bà nói tính bà “làm biếng” nhưng năm 1994 bà đã có 40 bức tranh, năm 1995 có 75 tượng (có vài cái cũ) để đem ra triển lãm ở Hà Nội lần này bà đã làm mọi người kinh ngạc. Đọc tranh bà, từ Ông Nghè, Áo tết của em… tôi thấy sáng tác của bà như được gợi nên từ ký ức xa xôi của một cô bé ham vui, ưa những gam màu sặc sỡ. Có gì na ná như đồ Hàng Mã, có thể vô dụng phù phiếm nhưng cũng có thể tâm linh… Cùng với điêu khắc trầm mặc, trang sức độc đáo, Điềm Phùng Thị đã làm cho người xem vừa ngỡ ngàng, cảm phục, lại vừa băn khoăn suy tưởng…

Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại -1995