CHIẾN TRANH

Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, nghệ sĩ Điềm Phùng Thị hiểu được nỗi đau thương mất mát chiến tranh mang lại cho đất nước và mỗi con người Việt Nam, từ vùng quê nghèo cho đến thành thị. Nghệ sĩ đã từng viết: “Tôi vẫn còn nhớ rõ như thể chuyện ấy mới xảy ra hôm qua, hình ảnh một người đàn bà trẻ trong nạn đói, nằm trên vỉa hè đối diện với nhà trọ sinh viên của tôi, và cứ chết dần ngay trước mắt tôi. Một buổi sáng tôi thấy chị nằm chết co quắp, một cánh tay vẫn ôm đứa nhỏ còn sống, mặt bẩn thỉu và nhem nhuốc nước mắt”. Dù sống xa đất mẹ nhưng nghệ sĩ Điềm Phùng Thị luôn khắc khoải nỗi niềm thương nhớ; nỗi đau quê hương đang bị giày xéo bởi chiến tranh luôn ngự trị trong bà: “Hình ảnh bom đạn, những ngôi làng bị đốt, cảnh tra tấn, chết chóc được tường thuật và xuất hiện mỗi ngày trên báo đài như thể chiếc bánh mì hằng ngày của chúng tôi. Làm thế nào có thể không phẫn nộ, không nổi loạn trước những hành động tàn ác này khi chúng tôi là con người, và lại là người Việt Nam, chúng tôi cảm nhận nó như chính nỗi đau trong máu thịt của mình”. Những hình ảnh đau thương do chiến tranh gây ra đã nung nấu, thúc giục sự chín muồi trong các tác phẩm nghệ thuật đề tài “Chiến tranh” của Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị  như: “Một cuộc đời”, “Nhà tôi trong chiến tranh”, “Người ra đi không về”, “Bom bi và người mẹ”, “Tang tóc”

Qua những hình tượng tạo hình, những mô-đun, những mảng khối; nghệ sĩ Điềm Phùng Thị như muốn tái hiện lại cuộc chiến tranh phi nghĩa, khốc liệt, đau thương, đầy mất mát; cũng như để tôn vinh và tưởng niệm những người đã ngã xuống vì nền hòa bình của dân tộc Việt Nam.